Thông tin chi tiết
Đàn nguyệt được sử dụng rộng rãi trong dòng nhạc dân gian cũng như cung đình bác học cổ truyền của người Việt, xuất hiện trong mỹ thuật Việt Nam từ thế kỷ XI, cho tới nay nó vẫn giữ một vị trí rất quan trọng trong sinh hoạt âm nhạc của người Việt. Đàn nguyệt có hai dây, thuộc bộ dây chi gảy của dân tộc Việt. Ngoài tên gọi đàn nguyệt còn có các tên gọi khác là đàn kìm, quân tử cầm, vọng nguyệt cầm. Tên gọi đàn nguyệt do có mặt đàn hình tròn như mặt trăng.
– Đáy đàn và mặt đàn để mộc được làm bằng gỗ nhẹ, xốp, có đường kính khoảng 30 cm. Trên mặt đàn có gắn ngựa đàn (hay yếm đàn) để mắc dây. Thành đàn (hay còn gọi là hông đàn) làm bằng gỗ cứng thấp khoảng 5 cm – 6 cm, có thể để trơn hay khảm trai. Hộp đàn kín hoàn toàn, không có lỗ thoát âm như đa số các loại đàn dầy gảy khác.
– Cần đàn được làm bằng gỗ cứng (có thể để trơn hay khảm trai), dài khoảng 1m trên có gắn các phím đàn bằng tre với khoảng cách không đều nhau theo thang 5 âm.
– Dây đàn được làm bằng tơ se hay dây nilon. Đàn có hai dây, dây cao (còn gọi là dây ngoài hay dây tang) nhỏ hơn dây trầm (còn gọi là dây trong hay dây tồn).
– Trục lên dây được làm bằng gỗ cứng xuyên qua hai lỗ phía đầu cần đàn.
– Móng gảy đàn thường bằng miếng nhựa hay đồi mồi.
– Đàn nguyệt có nhiều kiểu lên dây khác nhau, tuỳ theo yêu cầu của tính chất âm nhạc mà quyết định kiểu lên dây nào thích hợp. Có 3 kiểu lên dây chính :
Dây Bắc : Dây trầm cách dây cao một quãng 5 đúng (Fà-Đô). Dây bắc thích hợp với âm nhạc vui tươi, hùng tráng.
Dây Oán : Dây trầm cách dây cao một quãng 6 đúng (Mì-Đô). Dây oán thích hợp với âm nhạc nghiêm trang, sâu lắng.
Dây Tố Lan : Dây trầm cách dây cao một quãng 7 thứ (Rề-Đô). Dây tố lan thích hợp với âm nhạc dịu dàng, mềm mại.
Âm thanh Ðàn Nguyệt tươi sáng, rộn ràng rất thuận lợi để diễn tả tình cảm sâu lắng. Ðàn Nguyệt có tầm âm rộng hơn hai quãng 8 từ : Ðô1 đến Rê3 (C1 đến D3) nếu dùng ngón nhấn sẽ có thêm hai âm nữa. Tầm âm có thể chia ra 3 khoảng âm với đặc điểm như sau :
– Khoảng âm dưới : tiếng đàn ấm áp, mềm mại, biểu hiện tình cảm trầm lặng, sâu sắc.
– Khoảng âm giữa : là khoảng âm tốt nhất của Ðàn Nguyệt, tiếng đàn thanh thót, vang đều, diễn tả tình cảm vui tươi, linh hoạt.
– Khoảng âm cao : tiếng đàn trong sáng nhưng ít vang.