Harmonica Diatonic là loại harmonica phổ biến nhất và có số lượng người chơi nhiều nhất trên thế giới, điều đó đồng nghĩa những tài liệu học và hướng dẫn về loại kèn này cũng vô cùng phong phú, đa dạng. Trong bài viết dưới đây, mình sẽ giới thiệu với các bạn về cấu tạo của kèn Diatonic Harmonica, loại phổ biến 10 lỗ.
Thanh Reed – Bộ phận tạo ra âm thanh:
Mỗi lỗ trên kèn Diatonic đều có 2 thanh đồng mỏng đối diện nhau (đây được gọi là reed) chính là bộ phận quan trọng nhất tạo ra âm thanh của kèn. Reed có độ dài khác nhau, được sắp xếp theo thứ tự như ở hình dưới. Reed càng dài thì note được tạo ra càng trầm. Trong mỗi lỗ, sẽ có một Reed thổi và một Reed hút. Do đó, khi các bạn thổi ra hoặt hít vào mỗi lỗ thì chỉ có 1 trong 2 thanh đồng rung. Mỗi lỗ khi bạn thổi hoặc hút sẽ tạo ra 2 note khác nhau.
Reed Plate – Nơi cố định các thanh đồng:
Những thanh reed này được gắn trên một tấm kim loại mỏng. Có thể được làm bằng đồng hoặc bằng thép, mà người ta gọi là reed plate (tấm đặt reed). Như vậy 1 cây Diatonic Harmonica sẽ có 2 tấm reed plate (1 tấm gắn các reed thổi và 1 tấm gắn các reed hút). Nếu các bạn tháo ra xem thì sẽ thấy 2 tấm này có cách đặt reed ngược nhau.
Comb – Bộ phận ảnh hưởng đến chất âm:
Reed được gắn lên reed plate, và 2 tấm reed plate này được ốp lại với nhau bằng một miếng gỗ hoặc nhựa hay kim loại ở giữa nhìn giống cái lược. Miếng này được gọi là Comb (lược). Chất liệu làm ra comb cũng ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng hay đặc tính âm thanh của Harmonica. Ví dụ comb nhựa, kim loại thì bền, âm thanh sẽ giữ được ổn định. Comb gỗ tuy có tình trạng nở comb vì độ ẩm, nhưng âm thanh có cảm giác nghe ấm và tròn hơn.
Cover Plate – Bảo vệ lõi kèn:
Và bộ phận cuối cùng (không kể đến mấy cái ốc) là 2 miếng vỏ kim loại bên ngoài cây Diatonic. Bộ phận này thường được gọi là Cover Plate. Chất liệu làm cover plate cũng đa dạng như thép, hợp kim nhôm…. Ngoài tác dụng là bảo vệ Reed thì miếng Cover này còn là nơi đặt môi, đặt tay và điều hướng âm thanh phát ra.
BIên tập bởi Linh Anh