Nếu bạn là người mới bắt đầu học chơi Guitar thì điều đầu tiên bạn cần phải biết đó là cấu tạo và công dụng của từng bộ phận trên cây đàn. Những kiến thức này sẽ rất hữu ích khi bạn đi mua đàn, hoặc trong trường hợp bạn cần phải sửa chữa hay thay thế một bộ phận nào đó. Và tất nhiên, hiểu biết càng sâu về cây đàn sẽ giúp bạn càng có nhiều hứng thú để chơi Guitar tốt hơn.
1. Thân đàn (Body):
Thân đàn là phần lớn nhất trong các bộ phận của một cây đàn Guitar, có tác dụng cộng hưởng và khuếch đại âm thanh. Khi ta gảy dây đàn tức là làm cho dây đàn rung, thùng đàn sẽ cộng hưởng với tần số rung của dây đàn, làm cho lớp không khí xung quanh mặt thùng đàn guitar dao động với cùng tần số và tai ta nghe được âm thanh. Tùy theo tần số dao động của dây đàn mà tai ta sẽ nghe được các âm thanh trầm bổng khác nhau.
2. Cần đàn (Neck):
Cần đàn Guitar bằng gỗ thuôn dài nối đến đầu đàn. Mỗi dây đàn sẽ chạy dọc trên cần đàn. Và tùy thuộc vào nơi ngón tay của bạn được đặt trên cần đàn, bạn sẽ tạo ra những âm thanh khác nhau. Mặt của cần đàn là nơi đặt các phím đàn.
3. Đầu đàn (Headstock):
Kết thúc cần đàn chính là đầu đàn, là bộ phận để gắn bộ khóa đàn dùng để chỉnh dây, thay đổi cao độ của cây đàn. Hình dạng của đầu đàn xác định cách bố trí của các bộ chỉnh dây. Một số Guitar có sáu bộ chỉnh dây trên một mặt và một số khác có thể có 3 bộ chỉnh dây mỗi bên. Hình dạng của đầu đàn có thể ảnh hưởng đến những giai điệu của cây đàn Guitar do cách nó dao động.
4. Ty chỉnh cần (Truss Rod):
Là một thanh thép lục lăng được đặt nằm giữa cần đàn (neck) & mặt phím (fretboard), có công dụng chỉnh cần đàn guitar bằng cách vặn chặt hoặc thả lỏng làm cho cần đàn ưỡn lên hoặc võng xuống. Ngoài ra, nó cũng tăng cường độ cứng cho cần đàn, giúp cây đàn guitar tránh được vấn đề cong cần.
5. Dây đàn (Strings):
Một cây đàn Guitar thường có sáu dây, dây của các loại Guitar khác nhau (Guitar Acoustic, Classic, Điện...) sẽ khác nhau và sự khác nhau này tạo sự khác biệt lớn trong âm thanh.
6. Phím đàn (Frets):
Phím đàn là các thanh kim loại để chia mặt phím thành các ngăn phím, mỗi một ngăn phím là một nốt nhạc.
7. Chốt, khóa đàn (Pegs/ Tuners):
Bộ phận này là chốt điều chỉnh sức căng của các dây đàn, phụ thuộc vào cao độ cao hay thấp mà bạn xoay theo chiều kim đồng hồ hoặc ngược chiều kim đồng hồ.
8. Lược đàn (Nut):
Lược đàn thường được làm từ xương động vật hoặc nhựa tổng hợp (đôi khi có thể là đồng hoặc thép) là bộ phần nằm giữa đầu đàn và cần đàn. Tuy bé nhưng lược đàn lại giữ một vai trò quan trọng đó là “chia dây”, giúp cho dây đàn có 1 khoảng cách nhất định so với phím đàn, để các dây khi rung động không bị chạm vào phím gây rè (buzz) tiếng.
9. Mặt phím (Fingerboard):
Mặt phím là một miếng gỗ dài được gắn với cần đàn, là nơi các ngón tay trái thao tác trên đó.
10. Ngựa, xương đàn và Pin (Bridge, Saddle & Pin):
Ngựa đàn là một miếng gỗ mỏng được đặt ở trên mặt đàn, là nơi giữ dây đàn vững chắc trên thùng đàn để chúng không bị thay đổi cao độ. Khi gảy dây đàn, rung động chạy dọc theo cần đàn từ ngựa đàn đến đầu đàn.
Xương đàn thường được làm từ nhựa hoặc xương, cùng với lược đàn giúp cho dây đàn có khoảng cách so với mặt phím.
Pin đàn là các chốt để giữ dây đàn với ngựa đàn.
11. Miếng bảo vệ mặt đàn (Pickguard):
Miếng bảo vệ đàn là một bộ phận nhỏ được dán ngay bên dưới lỗ thoát âm. Khi bạn accord (quạt chả), hoặc sử dụng các kỹ thuật ngón (fingerstyle) sẽ chạm gây xước và hỏng mặt đàn. Miếng dán sẽ có công dụng giúp bảo vệ mặt đàn.
Biên tập bởi Ly Ly