Với bài viết về cấu tạo của âm giai, bạn sẽ biết được hết tất cả những hợp âm có trong các tông C D E F G A B và các tông thăng giáng của chúng, từ đó sẽ có phương pháp điền hợp âm thích hợp để không phải “bơi” trong biển hợp âm nữa.
1. Âm giai là gì?
Theo hệ thống bình quân thì quãng 8 được chia đều thành 12 nốt nhạc C C# D D# E F F# G G# A A# B. Âm giai (hay còn gọi là Thang âm, Scale, Gam) là tập hợp gồm 8 nốt từ thấp đến cao được chọn từ 12 nốt nhạc trên theo nhiều quy luật khác nhau tùy thuộc mục đích của người chơi.
Ví dụ:
-
Trong âm giai Đô trưởng (C major scale) người ta lấy 8 nốt C D E F G A B C (nốt C cuối này lặp lại).
-
Trong âm giai Sol trưởng (G major scale) người ta lấy 7 nốt G A B C D E F# G (nốt G cuối này lặp lại).
-
Trong âm giai Đô trưởng ngũ cung (C major pentatonic scale) người ta chỉ lấy 6 nốt C D E G A C (nốt C cuối này lặp lại).
-
Và còn rất nhiều âm giai khác nữa, nếu cần bạn cứ việc hỏi đồng chí Google nhé.
Hai âm giai được phân biệt bởi:
-
Số lượng nốt mà chúng có.
-
Khoảng cách giữa các bậc.
Trong bài viết này, TYGY Music sẽ hướng dẫn các bạn hai loại cấu tạo phổ biến nhất của âm giai, đó là: Âm giai Trưởng và Âm giai Thứ.
2. Cấu tạo của Âm giai trưởng và các hợp âm trong âm giai trưởng:
Như hình trên, ta có thể thấy đó là một âm giai Đô trưởng (C). Quy tắc để hình thành nên âm giai này là:
Chủ âm + 1 + 1 + ½ + 1 + 1 + 1 + ½ cung
-
Ở ví dụ trên, âm giai Đô trưởng (C) bắt đầu bằng chủ âm C. Theo quy tắc trên, ta có thể dễ dàng xác định được 8 nốt trong âm giai là: C – D – E – F – G – A – B – C.
-
Tiếp theo, để xác định được bộ hợp âm trong âm giai này, ta dùng quy tắc 1,4,5. Tức là hợp âm thứ 1,4,5 sẽ là hợp âm Trưởng. Các hợp âm 2,3,6 sẽ là hợp âm Thứ. Hợp âm thứ 7 sẽ là hợp âm dim (ít khi sử dụng).
-
Theo ví dụ trên, ta có bộ hợp âm của âm giai Đô trưởng (C): C – Dm – Em – F – G – Am – B – C.
3. Cấu tạo của âm giai thứ và các hợp âm trong âm giai thứ:
Cách hình thành nên âm giai thứ cũng tương tự như âm giai trưởng, chỉ khác một chút ở thứ tự các nốt:
Chủ âm + 1 + ½ + 1 + 1 + ½ + 1 + 1 cung
-
Ví dụ với âm giai La thứ (Am), ta có La sẽ là chủ âm. Theo quy tắc trên, ta có các nốt trong âm giai: A – B – C – D – E – F – G – A.
-
Hợp âm thứ 1, 4, 5 sẽ là hợp âm thứ. Hợp âm thứ 3, 6, 7 sẽ là hợp âm trưởng. Hợp âm thứ 2 sẽ là hợp âm dim, ít sử dụng.
-
Ta sẽ có nguyên bộ hợp âm của âm giai La thứ (Am): Am – B – C – Dm – Em – F – G – Am.
Như vậy với 2 quy tắc trên, ta đã có thể hình thành nên âm giai trưởng và âm giai thứ khá đơn giản phải không nào.
Lưu ý:
-
Trong đó 1 cung = 2 ô trên cần đàn, như vậy thì 1/2 cung= 1 ô trên cần đàn. Từ đó các bạn có thể tự xác định một âm giai trưởng ngay trên cần đàn mà không cần phải viết ra giấy.
-
Âm giai bắt đầu bằng chủ âm và kết thúc cũng bằng chủ âm. Nếu bạn thấy nốt đầu tiên và nốt cuối cùng không giống nhau thì chứng tỏ bạn đã làm sai ở bước nào đó.
-
Nhìn vào 2 tông C và Am này ta có thể thấy hợp âm của chúng giống nhau hoàn toàn. Thế nên chúng ta gọi C và Am là 2 âm giai tương đương: C/Am. Vậy thì chúng ta có thể kết luận rằng Âm giai tương đương là 2 âm giai dùng chung bộ hợp âm.
Nói chung, Âm giai giống như một gia đình, phải có chồng (trưởng), vợ (thứ) và những đứa con chung với nhau (đó chính là những hợp âm). Trong ví dụ trên, chồng là C còn vợ là Am, những đứa con là các hợp âm trong 2 âm giai này. Làm theo cách này, bạn sẽ biết được hết hợp âm của tất cả các tông, kể cả các tông thăng giáng, và biết được âm giai nào tương đương nhau.
Biên tập bởi Nguyên Bình