Mục tiêu mà mình muốn hướng tới khi chơi piano là gì luôn là câu hỏi đầu tiên mà mọi người cần xác định trước khi quyết định học đàn Piano. Nói chung, có hai hình thức chơi piano phổ biến nhất hiện nay, Piano solo và Piano đệm hát. Bài viết dưới đây sẽ giúp mọi người dễ dàng để phân biệt giữa hai cách chơi piano này hơn.
Piano Solo chia ra rất nhiều dòng nhạc:
-
Nhạc cổ điển: dòng nhạc mà hầu hết người mới bắt đầu học piano sẽ phải học theo phương pháp đọc bản nhạc hai tay và thể hiện nốt nhạc đọc được trên đàn và khi chơi cần tuân thủ theo đúng các nguyên tắc như tư thế tay, di chuyển ngón, các kí hiệu trên bản nhạc...
-
Nhạc nhẹ không lời: các bài nhạc không lời hay được nghe trên TV, các chương trình truyền hình, sự kiện …
-
Nhạc hiện đại: là các bài hát hiện đại hoặc trữ tình được thể hiện lại giai điệu bằng piano (Nhạc hiện đại được phát triển trong 5 năm gần đây trên Youtube nhờ vào trào lưu cover piano các bài hát phổ biến trong giới trẻ).
Piano đệm hát cũng chia ra thành nhiều dòng nhạc và dựa vào từng dòng nhạc mà ca sĩ thể hiện sẽ có kiểu đệm hát khác nhau (nếu ca sĩ hát nhạc trữ tình, thì đệm hát piano dòng nhạc trữ tình, nếu ca sĩ hát nhạc nhẹ, thì đệm hát piano nhạc nhẹ…). Thông thường piano đệm hát là do tự người chơi đàn Piano solo lâu năm tự cảm nhận và tìm hiểu về hoà âm để chơi, chứ không có một quy luật nhất định.
Piano solo có thể sẽ có nhiều người chơi giống nhau nhưng Piano đệm hát là trải nghiệm của mỗi người chơi vì vậy cách chơi sẽ rất khác nhau từ cách đặt hợp âm cho tới cách đệm, cách fill-in, cách nhấn mạnh... như vậy ở piano đệm hát sẽ đòi hỏi sự linh hoạt và sáng tạo để có một bài đệm hát hay. Tuy nhiên ở mức độ bán chuyên vừa chơi piano vừa hát, thì đệm hát piano không cần quá phức tạp mà chỉ cần đơn giản kết hợp được hai tay một cách đơn giản để tạo thành nhạc nền.
Một điều đặc biệt là từ Piano Solo bạn có thể chuyển sang học Piano đệm hát và từ Piano đệm hát cũng có thể học sang Piano Solo một cách dễ dàng. Tuy nhiên ở giai đoạn đầu tiên khi quyết định mục tiêu học đàn, bạn cần xác định mình yêu thích cách chơi nào hơn.
Các điểm giống nhau giữa Piano solo và Piano đệm hát:
-
Đều đòi hỏi sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai tay khi chơi.
-
Đều cần có kiến thức nhạc lý như nhau (đọc bản nhạc, các kí hiệu trên khuông nhạc, nhịp/ phách, trường độ nốt nhạc…)
-
Đều cần có khả năng đọc hiểu được bản nhạc.
Điểm khác nhau giữa Piano Solo và Piano đệm hát: Piano solo chơi ra giai điệu bài hát trong khi Piano đệm hát chơi nền cho giai điệu chính của bài hát, giai điệu chính được thể hiện bằng giọng hát hoặc nhạc cụ khác.
1. PIANO SOLO:
Video mà mọi người hay xem hoặc hay nghe về Piano, đa số đều là Piano solo, Piano solo thể hiện được giai điệu của bài hát. Bài hát như thế nào thì trên piano sẽ thể hiện ra đúng giai điệu như vậy, chơi Piano solo đa số mọi người đều cần bản nhạc để đọc nốt và chơi theo cho tới khi đạt tới trình độ cảm âm (chơi theo trí nhớ, chỉ cần nghe và chơi lại). Hiện nay, còn có một biến thể Piano solo rất phổ biến được gọi là Piano cover (chơi lại một bài hát trên piano theo phong cách riêng của người chơi, có thể giống 100% so với bài gốc hoặc khác hơn so với bài gốc).
>> Video ví dụ: Piano solo nhạc không lời
>> Video ví dụ: Piano solo cover hiện đại (các bài hát)
2. PIANO ĐỆM HÁT:
Piano đệm hát được hiểu là phần Piano làm nền cho người hát hoặc cho một nhạc cụ khác. Đúng với ý nghĩa là làm phần nền cho giai điệu chính (giai điệu chính bây giờ là giọng hát hoặc nhạc cụ khác) nên Piano đệm hát khi chơi riêng lẻ không phát ra giai điệu của bài hát mà nó là nền nhạc được tạo bằng các hợp âm, vòng hoà âm. Chơi piano đệm hát sẽ dựa vào kiểu đệm và hợp âm là chủ đạo mà không cần phải đọc nốt nhạc nhiều như chơi piano solo.
>> Video ví dụ: Vừa đệm piano vừa hát
Qua bài viết trên, bạn đã có thể phân biệt Piano solo và Piano đệm hát khác nhau như thế nào rồi đúng không? Bạn thích hoặc có mong muốn chơi được Piano solo hay piano đệm hát? Để lại bình luận và cảm nhận của bạn ở dưới bài viết này để mọi người cùng trao đổi nhé.
Bội Ngọc - Nghệ sĩ Piano